Ngày Quốc tế Trà là ngày gì? Trong ngày Quốc tế Trà, người ta làm gì?
Ngày Quốc tế Trà là ngày gì? Trong ngày Quốc tế Trà, người ta làm gì?
Ngày 21/5 hàng năm đã được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Quốc tế Trà, nhằm thúc đẩy các hoạt động ủng hộ sản xuất – tiêu thụ chè bền vững và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chè trong xóa đói giảm nghèo.
Trà, hay chè, là thức uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, sau nước.
Nhiều người cho rằng trà có nguồn gốc từ Đông Bắc Ấn Độ, Bắc Myanmar hoặc Tây Nam Trung Quốc. Có bằng chứng cho thấy trà đã được tiêu thụ ở Trung Quốc cách đây 5.000 năm.
Sản xuất và chế biến chè là nguồn sinh kế chính của hàng triệu gia đình ở các nước đang phát triển và của hàng triệu gia đình nghèo sống ở một số nước kém phát triển.
Ngành chè là nguồn thu nhập chính và nguồn thu xuất khẩu của một số nước nghèo, cũng là ngành cần nhiều lao động, cung cấp việc làm, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa và vùng kinh tế khó khăn. Chè có thể đóng một vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, là một trong những cây trồng quan trọng nhất.
Thêm vào đó, uống trà có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe nhờ tác dụng chống viêm, chống oxy hóa. Chè cũng có ý nghĩa văn hóa trong nhiều xã hội.
Cây chè có nguồn gốc từ đâu
“Quê hương của cây chè” hoặc nói theo các nhà chuyên môn thì “nguyên sản” xa xưa của cây chè ở đâu? Đó là một vấn đề khoa học và đồng thời là một vấn đề kinh tế rất lớn. Xét nguồn gốc nguyên sản của một cây trồng thường có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực dẫn giống nhập giống vào một nơi mới.
Đồng thời còn có ý nghĩa về lịch sử văn minh, văn hoá, ngôn ngữ của một dân tộc. Cây chè từ xưa đến nay vẫn được coi là một trong những căn cứ khoa học để xác định trung tâm của nguồn gốc cây trồng, để phản ánh nền văn minh của loài người.
Nhà thiên nhiên học Thuỵ Điển Carl von Linne nổi tiếng về những công trình thực vật học từ hơn hai thế kỷ nay đã đặt tên khoa học cho cây chè là Thea sinensis có nghĩa là, chè Trung Quốc. Vấn đề đến đây tưởng như đã được dứt điểm nhưng thực ra mới chỉ bắt đầu, vì cũng có ý kiến cho rằng còn có cây chè Ấn Độ, nguyên sản cây chè ngày nay là ở vùng At Sam.
Theo Lucien guiot (1964) các nơi mọc tự nhiên của cây chè (thea sinensis) ở vào các vùng núi miền tây nam Trung Quốc và bán đảo Đông Dương (Việt Nam, Lào, Thái lan, Bắc Miến Điện). Khi đặt tên cho cây chè, chắc Linne không ngờ là đã khơi ngòi cho một cuộc tranh cãi diễn ra gần 200 năm.
Chè đã đi bước đi hơn 4000 năm. Giá cứ để mặc cây chè với thiên nhiên và để cho quy luật quần thể sinh vật tác động thì có lẽ hàng triệu năm nữa cây chè vẫn chưa ra khỏi nơi nguyên sản. Nhưng do bị nhu cầu rất lớn của thị trường quốc tế thúc ép, có tác động của con người, các vườn chè trên thế giới theo thời gian cứ tăng mãi lên.
Từ cây chè nguyên thuỷ được phát hiện ra từ 4-5 nghìn năm trước đây, chè được nhân lên và nhân lên mãi để đem đi trồng trên gần khắp thế giới
Chè là một loài cây có lịch sử trồng trọt lâu đời nhất. Nhà thực vât học Thuỵ Sĩ Candolle (1788-1881) đã xếp chè vào loại A tức là đã được trồng trên 400 năm. Nhưng chè phát triển không nhanh lắm so với một vài cây khác, thuốc lá chẳng hạn.
Nếu như đầu thế kỷ thứ 16 ở Châu Âu mới chỉ có một số thuỷ thủ, con buôn và thực dân Tây Ban Nha thường qua lại châu Mỹ biết hút thuốc lá, và phải mua thuốc của người da đỏ để hút, thỉ tới thế kỷ 17 toàn Châu Âu, đã trồng được thuốc lá để hút. Cũng vì thế người Mỹ đã đặt cho việc hút thuốc lá ngày nay là “bệnh dịch hạch của thế kỷ 20”
Theo truyền thuyết rất cổ xưa, chè được dùng từ lâu ở Việt Nam (Đông Dương), Trung Quốc, nhưng bước lan truyền của cây chè không nhanh như cây thuốc lá. Hơn hai nghìn năm sau chè mới từ Trung Quốc sang được tới nước láng giềng phía đông cho nên ở Nhật Bản phải 729 năm sau công nguyên mới thấy sử sách nói đến chè.
Chè cũng được trồng ở Triều Tiên tương đối sớm, ngay năm 828, tuy vậy so với Trung Quốc thì cũng đã chậm hơn gần 500 năm (có tài liệu nói ở Trung Quốc chè bắt đầu được trồng 330 năm sau công nguyên).
Tiếp đó sau một thời gian đình đốn kéo dài 1000 năm, phong trào trồng chè mới lại bùng lên được. Lần này không phải chỉ ở châu Á mà cả châu Âu và châu Phi nữa.
Ở Việt Nam chúng ta đã trồng chè từ lâu rồi vì thế thực dân Pháp đã biết nơi này là một trong những quê hương của chè nên năm 1924 -1925 họ đã thành lập một công ty kinh doanh chè và tổ chức trại nghiên cứu chè ở Phú Thọ để phát triển các đồn điền trồng chè ở miền Bắc nước ta. Tiếp đó, chè được trồng ở Thái Nguyên, Lâm Đồng và nhiều tỉnh thành khác. Trong đó, Chè Thái Nguyên ngon hơn cả.
Nguồn gốc cây chè ở các châu lục
Trong thời gian này, cây chè còn lan tới 2 Châu khác là châu Phi và Nam Mỹ (Braxin). 1898 – 1900 Iran cũng bắt đầu trồng rồi đến Urganda (1900), Môdămbich, Bungary (1920), Rumany (1920-1930) Thổ Nhĩ Kỳ (1938). Sau đại chiến lần thứ 2, chè lan đến cả phía bắc nước Ý.
Ở nước Nga chè chính thức được trồng từ 1883, nhưng ngay từ năm 1792 trên báo chí đã thấy có bài của Sivers “Làm thế nào để trồng chè ở nước Nga”. Tác giả có đề nghị lấy cành chè ở Nhật về trồng, nhưng rồi chẳng ai hưởng ứng. Sách có ghi lại rằng năm 1834, mặc dầu Saliustij đã chứng minh một cách rất thuyết phục là có thể trồng được chè ở Nga, Nga hoàng cũng chẳng quan tâm đến vấn đề này.
Năm 1864 trong một cuộc triển lãm công nghiệp, người ta đã thấy trưng bày mẫu chè Capcadơ, nhưng vì chất lượng quá kém nên không địch nổi chè Trung Quốc tiếp đó người Nga đã tổ chức những cuộc hành trình đi Nhật và Trung Quốc mua giống chè về, nhưng vẫn thất bại vì hạt bị mốc, trồng không thấy hạt nào mọc.
Sử sách của nhiều nước khác cũng nói đến chè rất sớm, nhưng chỉ là chè thương phẩm mua của Trung Quốc. Chứ không phải là cây chè họ trồng được, càng không phải là cây chè mọc tự nhiên ở nước họ. ở phương Tây, quyển sách đầu tiên nói đến chè in năm 1559 của Jovani Batesta Ramudỉo (1485-1557). Sách đầu tiên nước Anh nói đến chè vào năm 1598, còn ở Bồ Đào Nha là 1600.
Khu vực nguyên sản của cây chè tự nhiên
Hiện nay phần đông các nhà bác học thế giới đã thống nhất là quê hương xa xưa của cây chè không phải nằm gọn trong một nước, mà là cả một vùng rộng lớn bao gồm phía nam Trung Quốc (Tỉnh Vân Nam), vùng phía bắc Miến Điện, vòng sang tỉnh At-sam và cả phía bắc Việt Nam của chúng ta nữa.
Từ trung tâm nguyên sản này, chè đã lan rộng ra các vùng lân cận như Campuchia, Thái Lan… chia thành hai nhánh theo phân vùng địa lý. Một nhánh phát triển lên phía bắc, còn một nhánh đi về phía nam.
Các vùng trồng chè ở Việt Nam
Ở các vùng Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, chúng ta phát hiện đươc trên 41.000 cây chè mọc hoang. Cây to như cây cổ thụ, có cây bằng cây đa, đường kính tán rộng tới 14m, gốc cây tới 80 cm đường kính, có cây 2-3 người ôm không xuể. Chúng ra đã thấy cây chè cổ 300 tuổi tìm thấy ở Suối Giàng, theo ảnh chụp ở phụ trương bảo nhân Dân ngày 7/8/1977.
Một điều lý thú là khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng đặc biệt ở nước ta đã mang lại cho những cây chè khổng lồ, còn sống tới bây giờ, những nét đặc trưng kỳ lạ. Có những cây có búp lá dựng đứng, nhưng cũng có cây búp lại nằm ngang hay chúc xuống. Những cây chè này đã sinh ra bao đời con cháu rồi, nhưng sức vẫn như đang tuổi thanh xuân. Mỗi năm vẫn cho thu hoạch 4 vụ. Mỗi cây mỗi vụ thu được từ 20 đến 30 kg búp.
Việt Nam là đất nước có rất nhiều loại trà.
Điều đáng quý nữa là búp lá chè cổ thụ ở Suối Giàng to mập gấp 2- 3 lần so với búp chè ở những nơi khác, chất lượng chè lại cao, vị đậm, ngon nước. Chè Suối Giàng rất được nước, màu nước trong xanh rất đẹp. Không phải chỉ ở nước thứ nhất, mà nước thứ hai và thứ ba vẫn còn thơm ngon.
Uống trà mang nhiều lợi ích cho sức khỏe do tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và giảm cân. Đồng thời nó mang ý nghĩa văn hóa trong nhiều xã hội.
Việt Nam tự hào có những rừng chè cổ thụ bậc nhất thế giới và gìn giữ phong cách uống chè tươi độc đáo từ ngàn năm. Tục uống trà đã có tự bao đời nay là nét đẹp trong đời sống và văn hóa, mỗi chúng ta hãy gìn giữ, phát triển và cùng tô điểm cho văn hóa Trà Việt Nam.
Hãy trao nhau một gói trà
Có lẽ đây là hành động đẹp và đầy ý nghĩa trong ngày này. Trao nhau một gói trà là trao cho nhau sức khỏe, là trao cho nhau niềm vui. Mỗi gói trà được trao đi sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ trà, đồng thời hỗ trợ bà con nông dân tại các vùng trà trên cả nước cải thiện cuộc sống.
Hãy ngồi xuống và thưởng thức những chén trà mang đậm hương vị quê nhà. Không còn quá vội vàng, hãy dành cho mình một chút thời gian thưởng thức chén trà để quay về tìm lại bản thân và tìm người tri kỷ.
Hãy đến và gặp gỡ bà con trên các vườn trà. Đến để hiểu và chia sẻ khó khăn trong đời sống của những người gắn bó cả đời mình qua nhiều thế hệ với cây chè. Chúng ta sẽ hiểu rõ hành trình của lá chè từ các vườn chè trên đồi cao hay núi sâu trải qua chặng đường dài để có mặt trên bàn trà của mỗi chúng ta, một hành trình có đủ ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để mỗi chén trà có đủ Nhật Nguyệt.