Các buổi giới thiệu trà Việt trong không gian Ngôi nhà di sản, từ ngày 18 đến 20/11 là một trong những nét đặc sắc trong hàng loạt sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam ( 23/11) diễn ra tại khu phố cổ Hà Nội.
Tối thứ Sáu (18/11), khu phố cổ Hà Nội vốn náo nhiệt vào các ngày cuối tuần lại càng náo nhiệt hơn bởi tiếng khèn, điệu múa của các chàng trai người Mông từ Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái về thủ đô trình diễn.
Trong Ngôi nhà di sản đậm chất Việt, ngồi trên chiếc sập gụ cổ, nghệ nhân trà Cao Sơn tỉ mẩn thực hành và giải thích từng động tác pha trà truyền thống, từ đun nước, tráng ấm, tới hãm trà sao cho vừa độ. Trong ba ngày giới thiệu nét đẹp và độc đáo của trà Việt, nghệ nhân Cao Sơn lần lượt giới thiệu trà sen Hồ Tây, trà San Tuyết Yên Bái và trà San Tuyết Hà Giang.
Với trà sen Hồ Tây, nghệ nhân Cao Sơn cho biết, sở dĩ giá thành của loại trà này khá đắt do nó được chế biến rất công phu. Để có thể làm ra một cân trà sen ngon, các nghệ nhân phải rất kỳ công trong việc lựa chọn trà. Trà ở đây phải là trà San Tuyết, Hà Giang. Trà được ướp qua 5 lượt gạo sen mới có được mùi thơm đặc trưng. Và để có được một 1kg trà sen, các nghệ nhân phải dùng tới 1.000 – 1.200 bông sen, và phải là sen trồng ở Đầm Trị, Hồ Tây. Muốn có một ấm trà ngon, nước pha trà cũng khá quan trọng. Theo nghệ nhân Cao Sơn, rất may ở Ngôi nhà di sản có bể chứa nước mưa, loại nước lý tưởng để pha trà.
Đi qua gian khách chính của Ngôi nhà di sản, bước vào gian trong cùng, du khách có thể bắt gặp một không gian bếp thuần Việt của người dân đồng bằng Bắc Bộ và chiếc chõng tre quen thuộc. Tại đây, nhiều du khách ngỡ ngàng vì loại trà có tên khá lạ: trà đâm Quỳ Hợp.
Cô gái trẻ mặc bộ trang phục của phụ nữ Thái cho biết, cô tên Trần Minh Lý, quê Thái Bình, người Kinh. Loại trà này được người dân tộc Thái ở Quỳ Hợp, Nghệ An trồng đầu tiên. Trước kia, người dân tộc uống trà đâm hằng ngày. Nay loại trà này dần bị quên lãng. Lý kể, có một số người tới thưởng thức trà này là người quê ở Quỳ Hợp, nhưng họ bảo, họ chưa từng nghe tới loại trà này.
Công thức pha chế trà đâm không quá khó, nhưng phải đủ tinh tế để có thể có ly trà xanh mướt và ngọt. Lá trà xanh được người dân tộc Thái ở Quỳ Hợp trồng ở trên núi, không hóa chất nên khá sạch. Khi lá được rửa sạch, Lý cho chúng vào ống tre, rồi dùng chày bằng gỗ dổi giã đều tay, nếu quá mạnh thì lá sẽ bị nát, trà sẽ bị đỏ, nếu giã chưa đủ độ, trà sẽ không ra hết chất ngọt. Sau khi giã lá xong, Lý đổ vào ống bương một cốc nước nguội ( chứ không phải nước sôi như chúng ta hãm trà xanh) và lọc lấy nước uống.
Trà đâm Quỳ Hợp từng được giới thiệu tại Trung tâm văn hóa Đông Tây. Các bạn người Nhật nói rằng nó giống với trà xanh mat-cha của Nhật, nhưng có hương vị rất Việt Nam, đó là có mùi lá tre (vì được giã bằng ống bương).